Giáo dục phát triển thẩm mỹ là một trong năm lĩnh vực giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ mầm non, góp phần hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Ở lứa tuổi mầm non, tâm hồn của trẻ rất nhạy cảm, dễ xúc động với con người và cảnh vật xung quanh, trí tưởng tượng của trẻ cũng vô cùng phong phú vì vậy năng khiếu nghệ thuật của trẻ cũng bắt đầu nảy sinh.
Giáo dục phát triển thẩm mỹ cho trẻ ở trường mầm non được thông qua nhiều hoạt động nghệ thuật như âm nhạc, tạo hình, đóng kịch, làm quen với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội… Trong đó hoạt động tạo hình là một trong những hoạt động đặc trưng, gần gũi và hấp dẫn đối với trẻ. Mục đích đầu tiên nhằm phát triển ở trẻ khả năng cảm nhận vẻ đẹp của sự vật, hiện tượng qua đường nét, cách sắp xếp, bố trí các hình khối, phát triển khả năng tri giác về màu sắc, hình dạng, bố cục. Hoạt động tạo hình giúp trẻ thể hiện cái đẹp trong thiên nhiên, cuộc sống; thể hiện cảm xúc sáng tạo; yêu thích, hào hứng tham gia vào các hoạt động nghệ thuật tạo ra cái đẹp.
Để thực hiện tốt hoạt động phát triển thẩm mỹ cho trẻ thông qua hoạt động tạo hình ở trường mầm non Phan Bội Châu, BGH nhà trường đẫ tổ chức bồi dưỡng giáo viên cần phải nắm rõ đặc điểm cơ bản về hoạt động tạo hình của trẻ ở từng độ tuổi. Từ đó vận dụng linh hoạt các phương pháp tổ chức các hoạt động cho trẻ để trẻ có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình.
1. Tạo môi trường cho trẻ hoạt động tích cực
Để trẻ có thể tạo ra được các sản phẩm tạo hình đẹp, có sự sáng tạo thì điều quan trọng người giáo viên phải tạo được hứng thú hoạt động tạo hình với trẻ. Một trong các cách tạo hứng thú tạo hình cho trẻ đó là tạo môi trường trong và ngoài lớp học. Giáo viên trang trí lớp học theo chủ đề phù hợp, đẹp mắt, hấp dẫn đối với trẻ. Các góc trong lớp luôn tạo được sự mới mẻ, thu hút, khơi gợi tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Đối với góc tạo hình cần bố trí đầy đủ các dụng cụ, vật liệu tạo hình để trẻ có thể lựa chọn. Đồ dùng được sắp xếp gọn gàng, dễ lấy, thuận tiện trong hoạt động của trẻ, các hình ảnh phải ngộ nghĩnh, và phải đa dạng về chủng loại và thường xuyên thay đổi nội dung trang trí theo từng chủ đề để trẻ không bị nhàm chán.
Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo viên phải luôn gần gũi thân thiện với trẻ, vừa hướng dẫn kỹ năng, vừa khích lệ động viên để trẻ hoàn thành ý tưởng của mình. Cô giáo cần chú ý quan tâm đến đặc điểm cá nhân của từng trẻ để tổ chức các hoạt động đa dạng nhằm giúp trẻ tạo hình theo khả năng và ý thích.
2. Tổ chức quan sát, tiếp xúc với thiên nhiên để tạo cảm hứng sáng tạo
Thiên nhiên có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự phát triển tâm hồn trẻ, vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên luôn tạo nguồn cảm xúc vô tận. Vì thế cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên để ngắm nhìn, khám phá và cảm nhận vẻ đẹp sẽ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng trong khi hoạt động tạo hình một cách phong phú và chính xác nhất. Để trẻ có được những kỹ năng, kỹ xảo, có sự hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động tạo hình và thể hiện sự sáng tạo trong khi tạo ra các sản phẩm thì điều trước tiên cần phải giúp trẻ có được các biểu tượng, có được những xúc cảm về các đối tượng mà trẻ cần phải tái tạo.
3. Tổ chức hoạt động giờ học tạo hình phù hợp với chủ đề
Khi tổ chức hoạt động giờ học giáo viên cần chú ý xây dựng các hoạt động phù hợp với trẻ. Cô giáo dẫn dắt khéo léo để vào bài một cách thoải mái, khơi gợi trí tò mò của trẻ, lời nói của cô giáo cần ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với trẻ.
Để giờ học tạo hình được hấp dẫn lôi cuốn trẻ, giáo viên nên sử dụng thủ thuật vào bài một cách linh hoạt, tạo cảm xúc và hứng thú cho trẻ và cần được tiến hành đồng thời vào việc tích luỹ có hệ thống những biểu tượng tạo hình. Những biểu tượng tạo hình cần chính xác rõ ràng, màu sắc đẹp và phong phú phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ. Sử dụng tranh mẫu, sản phẩm mẫu cần được lựa chọn cẩn thận, chứa đựng yếu tố thực và phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp với trẻ. Tranh mẫu có bố cục, màu sắc rõ ràng; không nên chọn những bức tranh có nhiều chi tiết phức tạp, khó hiểu đối với trẻ. Vật làm mẫu phải đảm bảo phù hợp, rõ nét về hình dạng, màu sắc. Không gian trưng bày tranh mẫu, vật mẫu vừa tầm nhìn của trẻ.
Giáo viên có thể dùng lời nói để hướng sự chú ý của trẻ vào nội dung của tranh mẫu, sản phẩm mẫu, để trẻ đánh giá, nhận xét, nêu lên suy nghĩ bằng sự hiểu biết của mình. Dùng lời giải thích, chỉ dẫn để gợi ý cho trẻ suy nghĩ tưởng tượng để trẻ thể hiện vào sản phẩm của mình một cách sáng tạo. Những lời hướng dẫn của cô giáo có thể sử dụng trong khi tổ chức hoạt động tạo hình trước cả lớp hoặc nhóm, cá nhân trẻ.
Khi tổ chức hoạt động tạo hình, giáo viên cũng cần chú ý đến thời gian hoạt động của trẻ sao cho đảm bảo đủ để có thể tạo được sản phẩm theo khả năng. Trong quá trình tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động tạo hình trong giờ học giáo viên phải có được hình thức tổ chức tiết học sao cho thật thoải mái, không gò ép, mọi phương pháp đưa ra phải phù hợp với khả năng, với nhận thức của trẻ và phải có tác dụng phát huy tính tích cực chủ động ở trẻ
Khi nhận xét sản phẩm tạo hình của trẻ, giáo viên cần kịp thời đánh giá, khen ngợi và khai thác cách giải quyết vấn đề của từng cá nhân trẻ. Đối với những sản phẩm chưa đẹp, giáo viên phải biết tìm kiếm chọn lọc những điểm mà trẻ đã cố gắng để động viên, hoặc đưa ra những nhận xét hóm hỉnh giúp trẻ tự tin và không cảm thấy buồn. Giáo viên cần phải tôn trọng ý tưởng, cách cảm nhận, cách nhìn của trẻ.
4. Tổ chức hoạt động tạo hình thông qua các hoạt động khác
Một ngày ở trường mầm non trẻ được tham gia vào rất nhiều hoạt động. Vì vậy thông qua các hoạt động này giáo viên có thể tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động tạo hình bằng cách tạo ra một động lực để thúc đẩy trẻ.
Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non với rất nhiều các hoạt động đa dạng, trong đó hoạt động tạo hình chiếm một vai trò quan trọng. Thông qua hoạt động tạo hình phát triển các sự vận động linh hoạt của đôi tay và mắt, phát triển tình cảm, xúc cảm, trẻ biết cảm thụ cái đẹp, yêu quý cái đẹp và mong muốn được tạo ra cái đẹp.
4.1.Tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ thông qua môi trường thiên nhiên
4.2. Đưa trẻ đến với thế giới hội họa
4.3. Tổ chức hoạt động tạo hình cho trẻ thông qua lễ hội
4.4.Thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho trẻ:
4.5.Thực hiện tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh
4.6. Tích hợp hoạt động tạo hình với các hoạt động giáo dục khác (hoạt động làm quen với tác phẩm văn học, hoạt động làm quen với toán và khám phá khoa học, hoạt động âm nhạc, các hoạt động học tập khác
5. Kết quả:
Qua một năm thực hiện Giải pháp sáng tạo lĩnh vực Phát triển thẩm mỹ thông qua hoạt động tạo hình trường mầm non Phan Bội Châu đã thu được một số kết quả sau:
- Trẻ hứng thú tham gia Hoạt động tạo hình: 100%.
- Trẻ tạo ra được sản phẩm tạo hình theo yêu cầu: 85%.
- Trẻ có kỹ năng khi tham gia vào hoạt động tạo hình: 85%.
- Trẻ đặt tên được sản phẩm của mình: 80%.
- 100% các lớp học tạo môi trường phong phú, phù hợp với nội dung của từng chủ điểm. Lớp học được trang trí bằng sản phẩm của cô và trẻ.
- Giáo viên sử dụng linh hoạt phương pháp hình thức tổ chức các hoạt động tạo hình cho trẻ, tổ chức các hoạt động tạo hình XL từ Khá-> Tốt.