Đối với giáo dục mầm non công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu và tách rời với chương trình chăm sóc, giáo dục mầm non. Nhìn vào chế độ sinh hoạt của bé hàng ngày với những công việc tưởng như đơn giản nhưng thực tế để làm tốt được những công việc đó các cô giáo mầm non phải có đủ cả 4 vai trò “Người mẹ hiền - Cô giáo giỏi - Thầy thuốc tốt - Người nghệ sỹ tài năng”. Với mong muốn góp phần vào việc luận giải những vấn đề nói trên, chúng tôi nhận thấy hoạt động đón trẻ là một việc làm rất cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Năm học 2020-2021 số lượng trẻ học tại trường là 113 trẻ, tăng cao so với năm học trước và vượt chỉ tiêu quận giao 13%. Nhà trường nhận thấy để phụ huynh luôn tin tưởng, yên tâm gửi con tại trường đặc biệt là đối tượng trẻ nhà trẻ chưa nói được nhiều thì hoạt động đón trẻ hàng ngày hết sức quan trọng. Nhà trường đã triển khai và quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong công tác đón trẻ hàng ngày. Để đạt được kết quả đó nhà trường đã tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Giáo viên xây dựng môi trường lớp đẹp, đồ dùng đồ chơi hấp dẫn thu hút sự chú ý trẻ.
- Xây dựng môi trường trong lớp, ngoài lớp học lấy trẻ làm trung tâm. Môi trường trong lớp, ngoài lớp sạch sẽ thoáng mát đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả trẻ có thể chơi “mà học, học bằng chơi”. Đó là môi trường thoáng mát, đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động. Các góc hoạt động trong lớp, ngoài lớp mang tính mở cho trẻ dễ dàng chọn đồ dùng đồ chơi để trẻ được trải nghiệm, cảm giác hứng thú, qua các trò chơi giúp trẻ tự tin hơn, thoải mái hơn để trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động cùng cô.
2. Nắm bắt tâm lý của trẻ, tạo được niềm tin với trẻ và phụ huynh.
- Trao đổi với phụ huynh đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là với trẻ mới đi học để cô giúp trẻ sớm hoà nhập với lớp, với các bạn, quen cô, quen bạn. Nhờ đó mà trẻ có những tiến bộ rõ rệt: trẻ trầm, nhút nhát nay thì năng động, mạnh dạn, tự tin lên; trẻ hiếu động thì ngoan ngoãn hơn. Trẻ hứng thú tham gia các hoạt động của lớp và ngày càng thích được đến lớp.
- Tăng cường trao đổi với phụ huynh trong hoạt động đón trẻ, hàng ngày ghi lại một số hoạt động, lưu giữ khoảnh khắc đáng yêu của trẻ gửi cho phụ huynh. Thực hiện qui định trong tuần mỗi lớp đăng 2-3 hoạt động trên trang Facebook trường, lớp để tuyên truyền với phụ huynh.
- Thông tin 2 chiều hàng ngày giữa phụ huynh và giáo viên để đạt hiệu quả trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ tại lớp, giáo viên phải quan sát, nắm bắt tâm sinh lý trẻ, sở thích, nhu cầu của trẻ để biết cách trao đổi giao tiếp vui vẻ, nhẹ nhàng tạo tâm thế vui tươi, phấn khởi an tâm đến lớp.
- Hướng trẻ vào khu vực chơi, đồ dùng, đồ chơi trẻ thích để trẻ vào lớp thoải mái, tự tin, tự giác.
3. Tạo sự gần gũi thân thiện với trẻ.
- Tạo sự gần gũi với trẻ và đặt lòng yêu quý trẻ lên hàng đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cô và trẻ. Cô thực sự là bạn của trẻ, trẻ đến lớp thấy thích thú, có tình cảm với cô với các bạn, mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động ở lớp.
4. Tuyên truyền kết hợp với phụ huynh.
- Làm tốt công tác tuyên truyền tới phụ huynh để phối hợp trong việc giúp trẻ ham thích đến lớp học. Điều đó đã mang lại hiệu quả nhất định, trẻ ham thích đến lớp, tự giác đi học, đến lớp biết chào hỏi người lớn, biết lắng nghe và tiếp thu góp ý của cô giáo, của bố mẹ. Trẻ vui vẻ, tươi cười và hứng thú khi đến lớp. Có những thói quen tốt trong các hoạt động hàng ngày, phụ huynh tin tưởng giáo viên.
Qua những giải pháp đã thực hiện, nhà trường tự đánh giá những giá trị và cách làm mà nhà trường hướng đến phù hợp với hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non được quy định tại Thông tư 28 và mục tiêu của chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" mà Bộ GDĐT đang chỉ đạo thực hiện nhiều năm qua.
Qua thực hiện giải pháp chúng tôi thấy: Trẻ gần gũi, mạnh dạn, tự tin, phát triển tư duy và thích khám phá, trải nghiệm…..Giáo viên luôn đổi mới, sáng tạo trong các giải pháp. Nhà trường đã tạo được niềm tin tuyệt đối với phụ huynh và nhân dân. Tỷ lệ trẻ ra lớp cao vượt quá chỉ tiêu đề ra. Nhà trường đã được dự giờ, đánh giá xếp loại thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động đón trẻ sáng tạo nhằm tạo cho trẻ nhà trẻ tâm thế vui tươi, phấn khởi tới lớp” xếp loại tốt trong năm học 2020-2021. Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là thực sự cần thiết và quan trọng. Hiệu quả của chuyên đề “Nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động đón trẻ sáng tạo nhằm tạo cho trẻ nhà trẻ tâm thế vui tươi, phấn khởi tới lớp” có ý nghĩa sâu sắc trong đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục trẻ.